Hỗ trợ online

ZALO ME

Fanpage
Thống kê
  •   Đang online
    3
  •   Hôm nay
    26
  •   Hôm qua
    14
  •   Tổng truy cập
    35532
  •   Tổng sản phẩm
    36
  • 0 - 2,650,000 đ        

    Dịch vụ giáo dục

    Khái niệm dịch vụ giáo dục và đào tạo có nghĩa rộng (bao quát chung) và nghĩa hẹp (các dịch vụ cụ thể). Nghĩa rộng là, coi toàn bộ hoạt động giáo dục và đào tạo thuộc khu vực dịch vụ (trong tương quan với hai khu vực khác là công nghiệp và nông nghiệp).

    Trong Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS - General Agreement on Trade in Services) mà Việt Nam đã ký kết khi tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đã xếp giáo dục và đào tạo vào lĩnh vực dịch vụ.

    Dich vu giao duc va dao tao 2111

    Nghĩa hẹp của khái niệm dịch vụ giáo dục và đào tạo gắn với các hoạt động giáo dục, đào tạo cụ thể. Quá trình giáo dục và đào tạo được thực hiện với sự tham gia của rất nhiều các yếu tố, quá trình khác nhau, có thể là vật chất (như cơ sở vật chất, trang thiết bị,...), có thể là phi vật chất (như quá trình truyền thụ tri thức, giảng dạy trực tiếp,...), có thể là chứa đựng cả hai yếu tố vật chất và phi vật chất (như nội dung chương trình, sách giáo khoa cho giáo dục và đào tạo,...). Các yếu tố, quá trình giáo dục và đào tạo phi vật thể được gọi là dịch vụ thuần; các sản phẩm là hàng hóa vật thể gọi là hàng hóa thuần; còn các sản phẩm chứa đựng cả yếu tố vật chất và yếu tố phi vật chất được gọi chung là hàng hóa dịch vụ không thuần. Vì vậy, trong giáo dục và đào tạo có rất nhiều các loại dịch vụ cụ thể phục vụ cho nhà trường, phục vụ cho người dạy, phục vụ cho người học, phục vụ cho quá trình giáo dục và đào tạo. Hiện nay, trên thế giới hình thành và phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ giáo dục - đào tạo rất đa dạng: Dịch vụ tư vấn thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất giáo dục - đào tạo; dịch vụ cung cấp trang thiết bị cho nghiên cứu - giảng dạy - học tập; dịch vụ cung cấp các chương trình giáo dục - đào tạo; dịch vụ cung cấp phương pháp giáo dục - đào tạo; dịch vụ cung cấp các khóa giáo dục - đào tạo; dịch vụ kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng; dịch vụ tư vấn giáo dục - đào tạo; tư vấn du học; dịch vụ tư vấn quản trị cơ sở giáo dục - đào tạo; các dịch vụ hỗ trợ cho nhà trường, cho giáo viên và cho người học,...

    Các dịch vụ giáo dục và đào tạo có thể được cung cấp theo phương thức bao cấp miễn phí (chủ yếu do Nhà nước cung cấp); có thể theo phương thức phi lợi nhuận; có thể theo phương thức có lợi nhuận ở mức hạn chế; có thể hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Trên thực tế, có thể có các phương án kết hợp khác nhau giữa các phương thức trên; đồng thời, có loại dịch vụ người thụ hưởng được miễn phí hoàn toàn, có loại phải đóng một phần nào đó, có loại người thụ hưởng phải đóng đầy đủ chi phí.

    Trong Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ, khoản 3, Điều 10 nêu rõ: Trừ hoạt động giáo dục có nguồn tài trợ hoàn toàn của quốc gia; còn lại tất cả các hoạt động giáo dục có thu học phí, hoặc mang tính thương mại đều thuộc phạm trù thương mại giáo dục. Trong GATS cũng nêu lên bốn phương thức cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo là:

    Cung ứng xuyên quốc gia: Là sự cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo từ nước này sang nước khác (như cung ứng về nội dung, chương trình, thiết bị giáo dục,...).

    Tiêu dùng ngoài lãnh thổ: Là người của nước này sang tiêu dùng dịch vụ giáo dục, đào tạo ở nước khác (như đi du học ở nước ngoài,...).

    Hiện diện thương mại: Là các chủ thể ở nước này đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo ở nước khác để cung cấp dịch vụ (có thể là chi nhánh, cơ sở liên doanh hoặc cơ sở 100% vốn nước ngoài).

    Hiện diện thể nhân: Là sự di chuyển nhân lực làm giáo dục, đào tạo từ nước này sang nước khác (như giáo viên, chuyên gia giáo dục,...).

    Trong xu thế hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo ngày càng mạnh mẽ, cả bốn phương thức cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo trên đều đang có sự phát triển rất đa dạng về hình thức và quy mô.

    Hiện nay, có năm phân ngành của dịch vụ giáo dục và đào tạo: tiểu học, trung học, đại học, giáo dục cho người lớn và các dịch vụ giáo dục khác. Trong các phân ngành đó, chỉ có dịch vụ giáo dục bắt buộc và giáo dục phổ cập khi được Nhà nước bao cấp hoàn toàn (như giáo dục tiểu học và trung học cơ sở thuộc giáo dục phổ cập bắt buộc) mới được coi là dịch vụ công cộng thuần túy (hay còn gọi là dịch vụ công cộng hoàn hảo) vì nó đáp ứng đầy đủ hai tính chất không loại trừ và không cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ công cộng thuần túy. Còn đa số các dịch vụ giáo dục và đào tạo khác, nhất là ở các trình độ cao, không đáp ứng đầy đủ hai tính chất này nên không phải là dịch vụ công cộng thuần túy và thường được gọi là dịch vụ công cộng không hoàn hảo. GATS cho phép các thành viên được quyền lựa chọn không tự do hóa lĩnh vực dịch vụ giáo dục, đào tạo nào hoặc mở cửa thị trường đối với những lĩnh vực dịch vụ giáo dục, đào tạo cụ thể. Cho đến nay, không có một nước thành viên nào của GATS cam kết mở cửa toàn phần thị trường dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mỗi nước đều có thể đặt ra những giới hạn nào đó đối với việc mở cửa thị trường giáo dục, đào tạo.

    Khi tham gia WTO và GATS, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa giáo dục, đào tạo ở các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, quản trị kinh doanh và khoa học kinh doanh, kinh tế học, kế toán, luật quốc tế và đào tạo ngôn ngữ.

    Đại hội XII của Đảng xác định: "Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học - công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động"[1].

    Đại hội đề ra chủ trương: "Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển mạnh các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao..., nhất là dịch vụ chất lượng cao về đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe”[2]; "Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách giá dịch vụ giáo dục - đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”[3].

    (Trích trong sách:Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện

    Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng,

    Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016)

    Chat Zalo
    Facebook

    Vui lòng đợi ...

    Đặt mua sản phẩm

    Xem nhanh sản phẩm